“Clean eating” và “Clean beauty” có thực sự tốt cho sức khoẻ?

Trong cuốn sách của tôi “That Sounds So Good" có một chương tên là “Sống sạch”, viết về khi vợ chồng tôi còn trẻ và dành trọn cuối tuần để đi chơi muộn, ăn uống bất kể thứ gì chúng tôi muốn. Mỗi sáng thứ hai thức dậy chúng tôi đều cảm thấy thật tồi tệ nên quyết định sẽ có một vài ngày để “sống sạch”, có nghĩa là chúng tôi sẽ thay đổi lại hoàn toàn lối sống bằng việc ăn chay và không uống đồ có cồn.
Nhưng giờ đây, tôi lại thấy hối tiếc khi đã đặt tên chương đó như vậy bởi tôi nhận ra việc phân tách sạch/bẩn chính là vấn đề. Thay vì ăn chơi thoải mái vào cuối tuần với những thói quen “không lành mạnh” rồi lại phải điều chỉnh lại bằng việc ăn “sạch”, ta nên tìm cho mình sự cân bằng trong lối sống.
Và rồi khi tôi dần có hứng thú với việc làm đẹp và chăm sóc da, tôi chợt nhận ra rằng khái niệm “ăn sạch” (eat clean) cũng gần giống như mỹ phẩm “sạch” (clean beauty) - khi trên các nền tảng xã hội giờ đây đầy rẫy những người luôn nói rằng chúng ta cần làm theo lời họ. Nhưng ý nghĩa thực sự của nó là gì? Và khi bạn nhận ra chẳng có một định nghĩa tiêu chuẩn nào cho cả hai cụm từ đó, bạn sẽ bắt đầu băn khoăn: Tại sao?
🔵 SỰ TƯƠNG ĐỒNG
Ăn sạch và mỹ phẩm sạch điều hướng tới một mục tiêu là sống khỏe, nhưng theo quan điểm của tôi, cả hai cụm từ này đều rất mơ hồ. Những influencer (người có sức ảnh hưởng) về lối sống nói rằng họ ăn “sạch” thường có nghĩa họ ăn theo chế độ plant-based (đồ ăn tiêu thụ chủ yếu là thực vật), lại là một cụm từ hào nhoáng khác thay cho việc ăn chay. Những người nói họ ăn “sạch" thường có cho mình định nghĩa khác nhau. Đối với một số người đó là ăn chay, một số khác đơn giản chỉ là họ ăn uống cực kỳ lành mạnh.
Tương tự như vậy, tôi nhận thấy chẳng có quy chuẩn nào cụ thể để định nghĩa được mỹ phẩm “sạch” - bất kỳ nhãn hãng nào cũng có thể tự tạo nên định nghĩa của riêng họ. Chính vì không có quy định nào vậy nên tất cả đều là chiêu trò quảng cáo và sự tự ngầm hiểu của người tiêu dùng.
Nỗi sợ chung cũng là điểm liên kết giữa hai cụm từ này. Khi bạn nói “ăn sạch” hay “mỹ phẩm sạch”, nó cũng bao hàm chuyện sẽ có “ăn không sạch” hoặc “mỹ phẩm không tốt”. Trong cả hai ngành thực phẩm và làm đẹp sẽ luôn có một số thành phần “bị nghiêm trọng hoá" không vì lý do gì cả. Ví dụ, với thực phẩm, thịt bò vốn dĩ không phải là một nguyên liệu xấu. Tuy nhiên, nếu bạn ăn nhiều thịt bò như nguồn protein duy nhất thì mới không tốt cho sức khỏe.
Tương tự trong chăm sóc da, kể tên một thành phần ví dụ như chất bảo quản, mặc dù nghe có vẻ không tốt nhưng hầu hết các sản phẩm đều cần chất bảo quản để giữ độ ổn định. Tôi theo dõi rất nhiều influencer, như Charlotte Palermino, người luôn bóc trần những câu chuyện về “mỹ phẩm sạch” và thấy rất thú vị bởi nó rất giống với “ăn sạch”. Nhờ đó tôi biết được rằng cần có rất nhiều chứng nhận nghiêm ngặt và quy định về những thứ bạn có thể cho vào mỹ phẩm, vậy nên ý nghĩ sử dụng một sản phẩm không được dán nhãn “sạch” sẽ khiến cơ thể bạn tiếp xúc với các thành phần hóa học nguy hiểm là không đúng bởi tất cả đã được kiểm nghiệm nghiêm ngặt bởi FDA trước khi chúng được đưa ra lưu hành trên thị trường.
🔵 NHỮNG CẠM BẪY
Chỉ mua những “thực phẩm tốt cho sức khoẻ” và “mỹ phẩm sạch” mà không có một định nghĩa rõ ràng không chỉ càng gây tốn kém, mà còn gây hiểu nhầm. Ví dụ, một sản phẩm làm đẹp có thể được dán mác "hữu cơ" nhưng công thức lại chứa đầy chất tạo mùi tự nhiên.
Đối với thực phẩm cũng như vậy, một số loại đồ ăn được dán nhãn hữu cơ không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất. Sữa được dán nhãn "hữu cơ" ở siêu thị không đồng nghĩa là nó sẽ tốt hơn những loại sữa không phải hữu cơ.
🔵 CẢNH BÁO
Điều rút ra ở đây là hãy cẩn thận với những lời hù dọa khi nhắc tới thực phẩm và làm đẹp. Biết phân biệt rõ trắng và đen những thông tin xoay quanh hai chủ đề này bởi ngoài kia vẫn còn rất nhiều tin giả. Chúng ta hình thành những nỗi sợ đến phi lý về đồ ăn trong thời buổi văn hóa ăn kiêng đã trở nên quá phổ biến. Từ bé chúng ta đã được dạy bảo về một số loại thực phẩm nên tránh hoặc không nên ăn nhiều, dẫn tới tạo ra bức tường ngăn cách với những thứ bạn thực sự cần để tồn tại.
Thay vào đó chúng ta nên nhìn nhận thức ăn không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn đem lại niềm hạnh phúc, sự tận hưởng và mối liên kết. Vậy tại sao lại coi chúng xấu xa như vậy? Còn đối với dưỡng da, bạn đừng để một số thương hiệu hay nghe theo những influencer ngăn bạn sử dụng loại kem dưỡng ẩm yêu thích khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất chỉ bởi vì họ đánh giá chúng không tốt. Cuộc đời này ngắn lắm. Hãy ăn uống thoải mái. Mua chai serum mà bạn yêu thích bởi bạn xứng đáng.
Tác giả : CARLA LALLI MUSIC