NHỮNG RỦI RO SỨC KHOẺ TINH THẦN TIỀM ẨN SAU NHỮNG LIỆU PHÁP THẨM MỸ KHÔNG XẤM LẤN
Nếu chúng tôi nói rằng bạn có thể nhận được kết quả tương đương 24,000 lần gập bụng nằm hoặc squat chỉ với 30 phút trị liệu thì có lẽ bạn sẽ chạy ngay ra khỏi lớp tập HIIT của mình và tới các địa điểm thẩm mỹ y khoa ngay lập tức. Thật dễ hiểu tại sao các phương pháp không xâm lấn như "điêu khắc cơ thể" (loại bỏ mỡ thừa), nâng cơ, nâng tông da đã tạo ra nhu cầu lớn chưa từng thấy của bệnh nhân - với hơn 12 triệu ca điều trị được thực hiện trên toàn cầu chỉ trong năm 2018 và được dự đoán sẽ tăng lên 14.08% cho tới năm 2028. Từ tiêm botox và filler cho tới quy trình tạo đường nét cơ thể như CoolSculpting hay Emsculpt NEO, những lựa chọn không xâm lấn là dễ tiếp cận hơn cả, thời gian phục hồi ngắn và hợp túi tiền hơn là các phương pháp phải đụng chạm dao kéo. Tuy nhiên, hãy coi chừng bởi chúng không an toàn 100% như bạn vẫn tưởng.
Văn hoá đại chúng đẩy những rủi ro lên hàng đầu
Trên một trang báo gần đây, Linda Evangelista đã có chia sẻ đầy cảm xúc trải nghiệm của mình với tăng sản mỡ bất thường (PAH) - một biến chứng của phương pháp CoolSculpting mà thay vì khiến các tế bào mỡ nhỏ đi lại làm chúng to ra, diện tích mỡ trông còn lớn hơn trước khi làm - cho thấy mặt tối của việc thay đổi ngoại hình sẽ phải trả giá bằng những di chứng tinh thần theo sau. “Nó không chỉ huỷ hoại kế sinh nhai của tôi mà còn khiến tôi rơi vào vòng luẩn quẩn của sự trầm cảm, nỗi buồn sâu sắc và vô cùng chán ghét bản thân. Suốt quá trình đó, tôi đã sống xa lánh với xã hội,” siêu mẫu những năm 90 này đã kể chi tiết trong bài đăng trên Instagram của mình. Trong bài đăng kế tiếp, Evangelista tuyên bố, “Tôi vẫn chưa kể xong câu chuyện của mình và tôi sẽ tiếp tục chia sẻ trải nghiệm của mình để giúp bản thân thoát khỏi nỗi tủi hổ, học cách yêu thương mình lần nữa và hi vọng cũng sẽ giúp được ai đó đang phải trải qua điều tương tự.”
Mặc dù các tuyên bố và hình ảnh về những ca không thành công có thể gây ra sự sợ hãi nhưng chúng cũng gợi lên một cuộc tranh luận quan trọng với người cung cấp dịch vụ cho bạn. Dendy Engelman, một bác sĩ da liễu đã được cấp bằng và chuyên khoa da liễu nói, “câu chuyện của Linda Evangelista chắc chắn đã châm ngòi cho rất nhiều câu hỏi và nghi ngại từ bệnh nhân. Là một bác sĩ da liễu, phần lớn công việc của tôi liên quan tới các vấn đề vô cùng nhạy cảm về cơ thể và hình ảnh bản thân của mọi người. Bệnh nhân tin tưởng tôi để dẫn dắt đưa họ tới những quyết định đúng đắn cho mình và một yếu tố quan trọng chính là sự trung thực, kể cả trong những cuộc trò chuyện khó nói.”
Các phương pháp trị liệu không xâm lấn hoạt động như thế nào?
Bất kể thông qua sử dụng rung động siêu âm, làm đông hoặc tần số vô tuyến RF, bác sĩ Engelman giải thích rằng tất cả các phương pháp điêu khắc cơ thể không xâm lấn đều hoạt động dựa vào nguyên lý kích thích cơ thể phá huỷ các tế bào mỡ tại những vùng được nhắm tới. “Chúng có thể được thực hiện nhanh chóng ngay tại phòng khám và không cần gây mê, thời gian phục hồi hay phải có người đưa về nhà,” bác sĩ Engleman nói thêm. Hầu hết các tác dụng phụ chỉ bao gồm đau cục bộ tạm thời (như bị véo và chuột rút) và xuất hiện vết bầm hoặc đỏ da - cùng với các triệu chứng ít phổ biến hơn đó là sự phân bổ không đồng đều và sự gia tăng (hiếm gặp) của các tế bào mỡ.
Tạo khối gương mặt không xâm lấn thường được coi là khá an toàn trong chuyên khoa y tế. Ví dụ, phương pháp tần số vô tuyến RF Emsculpt NEO là cách điều trị duy nhất được FDA công nhận trên thị trường và đã có những thành tích nghiên cứu ấn tượng. “Nó đã được kiểm nghiệm tại nhiều trung tâm nghiên cứu bằng nhiều phương pháp khoa học tiên tiến như MRI, CT, US và Mô học,” bác sĩ Engelman nói với chúng tôi. Chỉ sau bốn liệu trình, phương pháp này được cho là có thể cho ra kết quả tương đương 12-16 tuần tập luyện HIIT - một kết quả vô cùng hấp dẫn nếu bạn đủ khả năng chi trả.
Vậy, những nguy cơ sức khoẻ tinh thần có thể gặp phải là gì?
Điều rút ra được sau câu chuyện chi tiết của Evangelisa đó là quyết định thực hiện các phương pháp định hình lại đường nét cơ thể có thể sẽ khiến bạn bị mặc cảm ngoại hình, mắc chứng lo âu, trầm cảm và rối loạn ăn uống. Một nghiên cứu năm 2016 chỉ ra rằng sự không hài lòng về ngoại hình được coi là tác nhân chính dẫn tới những mong muốn thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ và định hình lại đường nét cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy rất nhiều bệnh nhân không những cảm thấy cực kì hài lòng với kết quả mà còn cho thấy nhiều cải thiện lớn về hình ảnh bản thân sau thực hiện phương pháp - chứng tỏ một phần tác động tâm lý, dù tốt hay xấu, của các thủ thuật kiểu này.
“Tôi khuyên bệnh nhân của mình dành thời gian suy nghĩ kĩ trước khi đưa ra bất cứ quyết định thực hiện phương pháp điều trị nào,” bác sĩ Engelman giải thích. “Một trong những chuyên ngành tôi học ở đại học là tâm lý học. Khoá học đó cộng với thực tế mẹ tôi cũng là một nhà trị liệu tâm lý đã giúp tôi luôn có mối quan tâm tới sức khỏe tinh thần khi làm việc cùng các bệnh nhân của mình. Nói cách khác, nếu bạn đang cân nhắc thực hiện một phương pháp không xâm lấn ở bất kỳ mức độ nào thì việc tìm hiểu nguyên nhân “tại sao” sâu xa đằng sau quyết định đó cùng các chuyên gia sức khoẻ tinh thần, những người thương yêu hoặc với chính bản thân bạn là vô cùng nên làm.
Tác giả: HANNAH CASSIDY